Lễ hội Kỳ Yên – TOP 20 lễ hội đặc sắc tại Việt Nam (P.1) – [VIETKINGS-TOPPLUS – Hành trình TOP Việt Nam]
(kyluc.vn) Hằng năm, từ giữa tháng Giêng đến hết tháng 3 âm lịch, hầu hết các đình, miếu tại các tỉnh Nam Bộ đều diễn ra Lễ Kỳ Yên. Đây không chỉ là lễ hội mang ý nghĩa tâm linh, cầu cho mưa thuận, gió hòa, mùa màng bội thu, dân giàu nước mạnh, mà còn là một ngày hội tôn vinh những nét đẹp văn hóa truyền thống của người dân Nam Bộ từ bao đời nay.
![Lễ hội Kỳ Yên – TOP 20 lễ hội đặc sắc tại Việt Nam (P.1) – [VIETKINGS-TOPPLUS – Hành trình TOP Việt Nam]](https://trungtamtuvanvaphattrienkyluc.vn/uploads/images/202503/image_870x_67ce33b56aa49.jpg)
Theo tín ngưỡng của người dân Việt Nam nói chung, người dân Nam Bộ nói riêng, thường có tục thờ thần. Hầu như mỗi vùng đất đều có một vị thần Thành Hoàng - người có công trong việc khai khẩn, gìn giữ vùng đất đó. Vào dịp đầu năm mới, tùy theo phong tục từng làng mà người dân trong vùng sẽ tổ chức lễ cúng (cúng đình) hay còn gọi là Lễ Kỳ Yên (tức là cầu an). Đây là nghi lễ cầu cho “mưa thuận gió hòa, quốc thái dân an”. Tùy theo phong tục mỗi nơi mà lễ này sẽ được ấn định về thời gian, thứ tự và chi tiết. Tuy nhiên, thường thì các Lễ Kỳ Yên phải được tiến hành trang trọng tại một ngôi đình, đền, miếu… thời gian tổ chức trong 3 ngày, gồm 2 phần: Lễ và hội.

Ngày đầu là lễ Túc Yết và lễ Tiền Vãng, tức là cúng tế các vị tiền hiền khai khẩn, hậu hiền khai cơ, những người có công với đất nước: Lê Văn Duyệt, Nguyễn Hữu Cảnh, Nguyễn Trung Trực, Thoại Ngọc Hầu, Châu Văn Tiếp... Chủ lễ là vị Chánh Bái có phụ tế và bồi lễ phụ giúp. Toàn bộ nghi lễ đều tiến hành theo lệnh của người thủ xướng đứng hai bên hương án kế vị chủ tế. Tất cả lễ nhạc, động tác dâng hương, dâng trà, dâng rượu, đọc văn tế, vái lạy đều phải đúng theo lời của người thủ xướng. Do đó người thủ xướng là người hay chữ nhất trong làng, vì mới có thể thuộc lòng các điển lễ, tế tự theo các truyền thống lễ hội từ xưa. Trong buổi lễ, người thủ xướng được dân làng trọng vọng nhất. Đội học trò lễ (lễ sinh) mặc áo, đội mũ, mang hia theo kiểu các học sinh Tú tài ngày xưa. Trước đó họ đã được huấn luyện thuần thục cách đi đứng, biểu diễn, dâng lễ vật theo nhịp phách của dàn nhạc diễn tấu để cầu nguyện cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi. Trong lễ Túc Yết còn có 4 cô đào hát mừng thần trong lúc dâng rượu.

Lễ vật dâng cúng trong lễ Túc Yết gồm một con heo trắng (được mổ bụng sạch sẽ, chưa nấu chín), một chén huyết có một ít lông heo (gọi chung là mao huyết), một mâm xôi, một mâm trái câu, trầu cau và một đĩa muối gạo...
Nếu đình làng có vị thần được vua sắc phong thì còn có Lễ “mở sắc thần” được tổ chức vào giữa đêm thứ nhất để nhớ công lao khai cơ lập nghiệp của các bậc tiền nhân. “Sắc thần” là một tờ giấy súc khá tốt, dai, khổ giấy dài từ 1,20 m - 1,50 m, rộng từ 0,50 - 0,60 m, dày, màu vàng. Mặt giấy có in nền chìm bằng dụ ngân hình rồng ẩn trong mây, xung quanh có khung hồi văn chữ vạn, nên gọi long đằng chỉ (giấy hình rồng dùng để sao chép), hoặc chữ đinh hay hoa lá dây chéo nhau. Mỗi sắc thần thường có từ 5 - 11 hàng dọc, chép từ phải qua trái. Dòng cuối cùng đề niên hiệu, tháng, ngày cấp sắc. Ấn vàng của nhà vua dùng son phụng màu đỏ đóng lên hàng chữ đề niên hiệu, ngay giữa dòng chữ này, kể từ chữ (niên) trở xuống, ấn hình vuông, có bốn chữ viết theo lối triện là “Sắc Mệnh Chi Bửu”. Sắc thần là thiêng liêng cho nên đình nào có sắc thần là xem như sự công nhận hợp pháp của Nhà nước đối với đình thần làng.
.jpg)
Lễ thỉnh thần sắc diễn ra rất long trọng và thu hút đông đảo người dân tham dự

Trong lễ thay khăn sắc thần, hương sắc sẽ phơi sắc và phủ vải điều mới lên sắc thần nhằm bố cáo với dân làng rằng sắc thần vẫn rất chu đáo và trang nghiêm
Lễ Chánh tế được tiến hành vào giữa đêm thứ hai. Người được cử đứng ra đọc văn tế để mở đầu buổi Lễ Chánh tế phải là một chức sắc trong làng. Vị này ăn mặc áo dài khăn đóng chỉnh tề, quỳ trước bàn hương án, hai tay nâng bản văn tế đưa lên dưới ánh nến soi rõ do hai phụ tế đứng hai bên cầm, rồi chậm rãi đọc với một giọng kính cẩn trang nghiêm trong nhạc đệm của dàn nhạc lễ. Việc hòa hợp chặt chẽ từng âm thanh trầm bổng của nhạc lễ với giọng xướng trang nghiêm của người đọc văn tế là cái hồn văn hóa dân gian, trong đó chuyên chở cả một đức tin thiêng liêng của những người dân biết ơn tiền nhân, của các vị thần.


Lễ chánh tế là nghi thức quan trọng nhất, nhằm tạ ơn Thần đã phò trợ cho dân làng
.jpg)
Người dân nô nức đến dự lễ hội Kỳ Yên nhằm cầu mong một năm mới quốc thái dân an, gia đạo bình an, hạnh phúc
Sau hai ngày chính lễ, bước sang ngày thứ ba là ngày hội - ngày sôi động tươi vui nhất của ba ngày Lễ hội Kỳ Yên. Trong ngày hội, ai ai cũng đua nhau ăn mặc đẹp, trang điểm lịch sự, đi lại vui chơi. Đây cũng là dịp trai đi tìm vợ, gái đến tuổi kén chồng có cơ hội gặp nhau để kết tình trao duyên. Đêm thứ ba, đêm của ngày hội là đêm mở đầu cho lễ “Xây Chầu - Đại Bội” tức lễ đánh trống cầu trời ban cho mưa thuận gió hòa (Xây chầu) và hát múa cầu cho bốn mùa an vui tươi tốt (Đại bội). Thông thường ở phần Đại bội, đoàn hát chọn năm diễn viên xuất sắc bao gồm nam nữ có giọng ca hay, múa giỏi để trình diễn, sau đó là một tuồng hát bội do các bô lão trong làng chọn lựa, thường hát trong 3 đêm. Hát bội là truyền thống của Lễ hội Kỳ Yên không thể thiếu. Vào những ngày này, đình làng luôn thu hút rất đông người đến thắp nhang, xem lễ rước thần, nghe đọc tế văn nguyện cầu và cảm tạ các vị thần linh. Đến đây, ai cũng cầu mong gia đình mình vạn sự được bình an, người nông dân trúng mùa, người kinh doanh phát tài, phát lộc... Sẽ là chưa trọn vẹn nếu đi Lễ hội Kỳ Yên mà không thưởng thức hát bội.
(340).jpg)
Không chỉ có những người lớn tuổi mà cả thanh niên và trẻ em cũng bị thu hút bởi sự đặc sắc của các vở tuồng hát bội. Lễ hội Kỳ Yên đã trở thành một nét văn hóa tâm linh truyền thống độc đáo của người miền sông nước Cửu Long. Cho nên, đây là một hoạt động văn hóa đặc trưng là món ăn tinh thần không thể thiếu của làng quê nông thôn.Điều làm nên nét đặc sắc của các Lễ Kỳ Yên cũng phải kể đến phần hội. Phần hội ở đây thường gồm các chương trình múa lân, múa rồng, các trò chơi dân gian… Người dân đến với Lễ Kỳ Yên ngoài mục đích cầu phước, cầu tài, cầu lộc, cầu thọ, còn là dịp ôn lại truyền thống lịch sử của ông cha đã khai hoang lập ấp. Đồng thời, được thỏa sức thưởng thức các chương trình nghệ thuật như hát bội, cải lương… Tuy nhiên, trong ngày Lễ Kỳ Yên, hát xướng văn nghệ không chỉ để giải trí bình thường mà cũng mang nội dung nghi lễ riêng biệt. Chương trình văn nghệ phải có nội dung đạo lý, kết thúc có hậu.
----------------------------------------------------------------------
Mỗi tuần, các bài công bố sẽ được công bố rộng rãi trên hệ thống trang truyền thông chính thức của Tổ chức Kỷ lục Việt Nam - VietKings. Ban quản lý hành trình rất mong nhận được sự quan tâm theo dõi của bạn đọc trong và ngoài nước nhằm tiếp tục quảng bá và tôn vinh các điểm đến hấp dẫn của Việt Nam.
Mọi thông tin xin liên hệ xin gửi về:
TỔ CHỨC KỶ LỤC VIỆT NAM - VIETKINGS
01 Đặng Văn Ngữ, Phường 10, Quận Phú Nhuận, TP. Hồ Chí Minh
Điện thoại: (0283) 8 477 477
Đăng ký Kỷ lục: 0908 254 258 - 08 333 68 555
Diệu Phi – VietKings (tổng hợp và biên tập, ảnh Internet)