Lễ hội chùa Hương – TOP 20 lễ hội đặc sắc tại Việt Nam (P.2) – [VIETKINGS-TOPPLUS – Hành trình TOP Việt Nam]

(kyluc.vn) Hằng năm, cứ mỗi độ xuân về hoa mơ nở trắng núi rừng Hương Sơn, hàng triệu Phật tử cùng tao nhân mặc khách khắp bốn phương lại nô nức trẩy hội chùa Hương - hành trình về một miền đất Phật, nơi Bồ Tát Quán Thế Âm ứng thiện tu hành, để dâng lên người một nén tâm hương, một lời nguyện cầu, hoặc thả hồn mình bay bổng hòa quyện với thiên nhiên, ở một vùng miền còn in dấu tích phật thoại và văn hóa tâm linh.

Lễ hội chùa Hương – TOP 20 lễ hội đặc sắc tại Việt Nam (P.2) – [VIETKINGS-TOPPLUS – Hành trình TOP Việt Nam]
Lễ hội chùa Hương – TOP 20 lễ hội đặc sắc tại Việt Nam (P.2) – [VIETKINGS-TOPPLUS – Hành trình TOP Việt Nam]

Chùa Hương trời rộng, sông dài,

Nước non thanh tịnh, cửa ngoài trời Nam

Cảnh tiên ai vẽ ai phàm,

Nghìn thu tiếng trống cõi lam truyền về.

Lễ hội Chùa Hương được tổ chức hằng năm tại xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức, Hà Nội, bắt đầu từ ngày 6 tháng Giêng âm lịch và kéo dài suốt ba tháng. Đây là lễ hội lớn và lâu đời, mang trong mình tín ngưỡng dân gian thờ Chúa Ba. Tương truyền rằng, công chúa Diệu Thiện đã tu hành suốt chín năm tại Hương Sơn, rồi đắc đạo thành Phật vào giữa mùa xuân, khi trăm hoa đua nở. Chính vì vậy, lễ hội Chùa Hương trở thành biểu tượng của sự giao hòa giữa con người và thiên nhiên, giữa tâm linh và đời sống. Mật độ con người cộng với trường độ không gian và thời gian vô cùng rộng lớn khiến cho nơi đây xứng danh là lễ hội vui nhất trời Nam. Ngày mùng 6 tháng giêng hàng năm là ngày khai hội Chùa Hương, ngày này vốn là ngày mở cửa rừng, của người dân địa phương sau này trở thành ngày khai hội. Lễ hội kéo dài đến hết tháng 3 âm lịch.

 

Hành hương trẩy hội mùa xuân là nét đẹp của dân tộc Việt Nam vốn có tự ngàn xưa. Trở về miền đất tâm linh dấu Phật – một Đức Phật Việt Nam – Phật Bà chùa Hương, là nét đẹp mãi mãi trường tồn trong thời gian vô cùng và không gian vô tận.

 

Kể từ khi vua Lê Thánh Tông (1460 - 1497) đi tuần thú phương Nam lần thứ hai tới đây và chư tiền Tổ chống cây Tích trượng khai sơn đến nay, với chiều sâu lịch sử, bề dầy văn hoá truyền thống đã tô bồi cho vùng thiên nhiên hùng vỹ này một bức tranh “Kỳ sơn tú thuỷ” mà bút thần khôn tả. Trải qua 11 đời Tổ sư truyền đăng tục diệm, từ sơ Tổ khai sáng đến nay nối tiếp nhau kiến tạo, hoằng dương chính pháp. Danh thắng và lễ hội chùa Hương ngày càng được mở rộng và phát triển trên bình diện lớn. Khi các Tổ sư chống cây Tích trượng, dựng thảo am ở Hương Sơn là xây dựng nơi quy ngưỡng để “Chiêm giả khởi kính” đối với ngôi Tam bảo, tô bồi nơi danh lam của đất nước cho thế nhân thưởng ngoạn. Được như vậy là đã làm tròn trọng trách giữa đạo Phật và dân tộc, giữa đạo Phật và cuộc đời.

Lễ hội Chùa Hương gắn liền với tín ngưỡng dân gian thờ Chúa Ba. Tương truyền rằng công chúa Diệu Thiện đã tu hành 9 năm tại Hương Sơn, sau đó đắc đạo thành Phật để phổ độ chúng sanh. Thời điểm mà công chúa Diệu Thiện đắc đạo cũng chính là giữa mùa Xuân, trăm hoa đua nở, cây cỏ xanh tươi, vạn vật tương sinh tương ái. Tháng 3 năm 1770, Chúa Trịnh Sâm trong chuyến tuần du tại Trấn Sơn Nam đã đến chùa Hương Tích vãn cảnh, thắp hương và đề lên cửa động 5 chữ “Nam Thiên Đệ Nhất Động”. Điều này đã biến động Hương Tích trở thành một di tích lớn và là tiền đề cho sự hình thành của lễ hội Chùa Hương. Đến năm 1896, niên hiệu Thành Thái thứ 8, lễ hội Chùa Hương mới chính thức được tổ chức như một lễ hội thực thụ và trở thành một trong những lễ hội lớn nhất của Việt Nam.

Chùa Hương là một danh thắng nổi tiếng, không chỉ bởi cảnh đẹp mà còn là một nét đẹp văn hóa tín ngưỡng đạo Phật của người dân Việt Nam. Không giống bất kỳ nơi nào, Chùa Hương là  một tập hợp nhiều đền chùa hang động gắn  liền với núi rừng, và trở thành một quần thể thắng cảnh rộng lớn, với một kiến trúc hài hòa giữa thiên nhiên và nhân tạo. Có thể nói quần thể Hương Sơn là sự kết hợp tuyệt vời giữa kì công của Tạo hóa với bàn tay khéo léo, tài hoa của con người. Các ngôi chùa được xây dựng rải rác trên triển núi đá vôi, thấp thoáng dưới rừng cây xanh thẳm. Từ chân núi trèo ngược lên hàng ngàn bậc đá cheo leo, gập ghềnh, khách hành hương sẽ lần lượt thắp nhang ở chùa Ngoài, rồi vào chùa Trong, lên chùa Giải Oan, chùa Thiên Trù với động Hinh Bồng, động Hương Tích… Chùa nào cũng cổ kính, uy nghi, đèn nến chập chờn giữa làn khói hương mờ mờ, ảo ảo, tạo nên không khí huyền bí, linh thiêng. Mỗi người đến chùa Hương với một tâm trạng, một ước nguyện riêng tư, nhưng điều chung nhất là cảm giác trút bỏ được những vướng bận hằng ngày của đời thường, cả thể xác lẫn tâm hồn đều lâng lâng, thoát tục.

Hầu hết các du khách đi đến với chùa Hương vào dịp đầu xuân đều có một mục đích chung là dâng lên một lời nguyện cầu, một nén tâm hương. Tại nơi đây, du khách có thể dâng lên những lời nguyện cầu của đời sống chân thực, cầu mong sự sinh sôi nảy nở, ước mong cuộc sống đầy đủ. Nhà nông cầu mong mình làm ruộng gạo vun lên thành đụn gạo trắng như ngọc, người buôn bán mong sao có lãi, có lời, tiền của như cây vàng, cây bạc. Ai muốn con trai thì xoa đầu núi cậu, ai ước con gái thì xoa đầu núi cô. Còn người bệnh thì tin rằng những giọt nước từ bầu sữa tiên (vú mẹ) sẽ trợ thêm sức mạnh cho người mau khỏe. Đó thực là những tín ngưỡng của người lao động. Nơi đây không có chỗ cho những ai cầu vinh hoa danh vọng, chức tước, quyền hành.

 

Các tín đồ và du khách thường dâng hương, đồ cúng như hoa quả, đèn, nến, và các vật phẩm khác để thể hiện lòng thành và sự tôn kính đối với các vị thần, đồng thời cầu nguyện cho sức khỏe, bình an và may mắn.

 

Đông đảo du khách đến thăm động Hương Tích nhân dịp đầu năm

 

Du khách hứng nước từ nhũ đá của hang động với hy vọng mang lại may mắn.

 

Đền Cửa Vòng là "chân long linh từ” thờ bà chúa Thượng Ngổn, là người cai quản cả vùng rừng núi xung quanh với cái tên là "tì nữ tuý Hồng" của sơn thần tối cao. Chùa Bắc Đài, chùa Tuyết Sơn, chùa Cả và đình Quân thờ ngũ hổ và tín ngưỡng cá thần. Ở trong chùa Trong có lễ dâng hương, gồm hương, hoa, đèn, nến, hoa quả và thức ăn chay. Lúc cúng có hai tăng ni mặc áo cà sa mang đồ lễ chay đàn rồi mới tiến dùng đồ lễ lên bàn thờ. Từ ngày mở hội cho đến hết hội, chỉ thỉnh thoảng mới có sư ở các chùa trên đến gõ mõ tụng kinh chừng nửa giờ tại các chùa, miếu, đền còn hương khói thì không bao giờ dứt.

Khi đến tham quan chùa Hương, du khách còn được hòa mình vào những hoạt động văn hóa, lễ hội tại nơi đây. Lễ hội chùa Hương là nơi hội tụ sinh hoạt văn hóa dân tộc độc đáo như bơi thuyền, leo núi và các chiếu hát chèo, hát văn,…

Nhắc đến chùa Hương, người ta sẽ nghĩ ngay đến thuyền đò, đây là một phương tiện đi lại chính trong lễ hội. Du khách có thể coi ngồi thuyền là một thú vui tao nhã, vãng cảnh lạc vào non tiên cõi Phật. Vào những ngày hội chính, hàng loạt những con thuyền đua nhau trên dòng suối Yến. Đây là một hoạt động giải trí không thể thiếu trong lễ hội. Rời bến đò, du khách đến với các hoạt động leo núi đặc sắc của khu di tích. Du khách có thể leo bộ lên những bậc thang dẫn đến động Hương Tích, chùa Trong. Cảm giác thật tuyệt vời nếu bạn chinh phục từng bậc thang lên xuống vào động Hương Tích. Lựa chọn hình thức đi bộ hay cáp treo không thể hiện sự tôn kính mà thể hiện từ tâm của hành khách đến chùa Hương. Khi đi dọc bến đò hoặc đặt chân lên mảnh đất tâm linh bạn sẽ gặp những làn điệu dân ca hát chèo hoặc hát xẩm trên từng mái nhà tranh. Những làn dân ca cứ in sâu vào lòng du khách thập phương nếu đã một lần đến đây. Hãy dành cho mình những phút giây tuyệt vời nhất khi hòa mình vào những làn điệu dân ca, điệu hò truyền thống ấy.

Thuyền đưa du khách xuôi theo dòng suối Yến

 

Ý nghĩa của lễ hội Chùa Hương nằm trọn vẹn trong phần lễ và phần hội. Phần lễ thể hiện cho tín ngưỡng thờ cúng của tổng thể các tôn giáo Việt Nam lúc bây giờ, bao gồm Phật Giáo, Nho Giáo và Đạo giáo. Phần hội Chùa Hương thể hiện cho sự kết nối, hòa quyện giữa con người và thiên nhiên, gia tăng sức mạnh đoàn kết dân tộc. 

Đến với chùa Hương là cuộc hội ngộ của con người, với niềm mơ ước về một thế giới bình đẳng chan hòa tình thân ái. Đến với chùa Hương là dịp con người tìm về cội nguồn của tư duy, trỗi dậy sự nỗ lực, gặp gỡ bóng dáng tổ tiên mình một thời đã đi qua. Trải qua thăng trầm biến đổi của thời gian, lễ hội chùa Hương xưa vẫn tỏa sáng một nét đẹp văn hóa nguyên sơ, một vẻ đẹp lễ hội thuần khiết, thanh tao trong hệ thống lễ hội cổ truyền Việt Nam.

 

----------------------------------------------------------------------

Hành trình TOP Việt Nam – 50 TOP các điểm đến hấp dẫn của Việt Nam được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam (VietKings) và Trung tâm TOP Việt Nam triển khai từ và công bố dưới tiêu chí và góc nhìn của Ban quản lý hành trình Top với mục tiêu quảng bá các giá trị thiên nhiên, văn hóa, lịch sử và con người Việt Nam đến bạn bè trong nước và quốc tế, đồng thời kích cầu du lịch.

Mỗi tuần, các bài công bố sẽ được công bố rộng rãi trên hệ thống trang truyền thông chính thức của Tổ chức Kỷ lục Việt Nam - VietKings. Ban quản lý hành trình rất mong nhận được sự quan tâm theo dõi của bạn đọc trong và ngoài nước nhằm tiếp tục quảng bá và tôn vinh các điểm đến hấp dẫn của Việt Nam.

Mọi thông tin xin liên hệ xin gửi về:

TỔ CHỨC KỶ LỤC VIỆT NAM - VIETKINGS

01 Đặng Văn Ngữ, Phường 10, Quận Phú Nhuận, TP. Hồ Chí Minh

Điện thoại: (0283) 8 477 477

Đăng ký Kỷ lục: 0908 254 258 - 08 333 68 555

Diệu Phi – VietKings (tổng hợp và biên tập, ảnh Internet)